Mặc dù gặp nhiều khó khăn khi mở dự án kinh doanh khi còn là sinh viên nhưng Gấm luôn muốn mạo hiểm để trải nghiệm bản thân.
Nguyễn Thị Gấm (sinh năm 1992) đến từ Tuyên Quang - sinh viên năm 3, khoa Kinh tế Quốc tế là người có ý tưởng lập dự án “cà phê Xanh” và cùng Đội Thanh niên tình nguyện (TNTN) Sông Mã huy động vốn, lập quán với mong muốn gây quỹ, tạo nguồn vốn để giúp đỡ bà con nghèo miền núi trong các hoạt động tình nguyện.
Hơn 6 tháng… nằm trên giấy
Tham gia Đội TNTN Sông Mã hơn 2 năm, Gấm hiện đang phụ trách mảng Gây quỹ dự án của đội. Với sức trẻ dám nghĩ dám làm, cô sinh viên Ngoại thương đã nhiều lần “gõ cửa” các doanh nghiệp, cá nhân, thực hiện nhiều dự án như làm đồ hand-made, tham gia sự kiện để mang kinh phí hoạt động tình nguyện cho đội.
Nhận thấy, việc xin tài trợ ngày càng khó khăn, vất vả, Gấm không ít lần lóe lên ý tưởng: “Tại sao mình không làm dự án kinh doanh lớn hơn có thể tự chủ tài chính để giúp đỡ những người dân nghèo?”.
Từ ý tưởng đó, Gấm bắt đầu xây dựng các dự án như việc sử dụng túi giấy bảo vệ môi trường, dự án làm đồ hand-made để bán qua mạng...Và rồi, dự án “Cà phê Xanh” ra đời với mục đích không chỉ mang kinh phí hoạt động tình nguyện mà còn tác động vào ý thức bảo vệ môi trường và tạo không gian cho sinh viên giao lưu qua hoạt động học tiếng Anh, chơi ghi ta, đọc sách…
Cô nàng 9X cá tính Nguyễn Thị Gấm với ý tưởng mở quán cà phê xanh gây quỹ hoạt động tình nguyện.
Chính lòng yêu thương, muốn cống hiến qua những chuyến đi tình nguyện vùng cao là động lực lớn để Gấm và nhóm của mình quyết tâm biến ý tưởng thành thực tế.
Sau đó, ý tưởng được lên chi tiết, nhưng bắt tay vào thực tế…thì không phải dễ đối với một cô sinh viên năm 3. Hơn 6 tháng…dự án nằm trên giấy, tưởng chừng không thể thực hiện được, nhưng với quyết tâm của ban dự án, 7 người họp bàn bắt đầu lên kế hoạch tài chính chi tiết, xin tài trợ, huy động vốn đầu tư.... mở quán.
“Ban đầu, mình suy nghĩ đơn giản khi xây dựng ý tưởng, nhưng càng làm càng thấy thiếu rất nhiều. Đã có lúc muốn bỏ cuộc nhưng tinh thần đồng đội và mong muốn cống hiến tuổi trẻ tình nguyện nên đến phút chót quyết định làm tiếp”, Gấm cho biết.
Trong thời gian sửa, trang trí quán, Gấm gần như chỉ ngủ vài tiếng mỗi ngày vì mất ăn mất ngủ, lo tính toán chi phí. Thậm chí vào những ngày cuối, cả nhóm “tốc lực” thức gần như trắng đêm để hoàn thành quán theo đúng kế hoạch.
Chia sẻ về khó khăn lớn nhất gặp phải, Gấm nói: “Chúng mình đều là sinh viên nên thời gian eo hẹp. Mình vẫn lên lớp, ôn thi nên đòi hỏi mình phải sắp xếp thời gian cực kỳ hợp lý. Hơn nữa, bản thân mình không hề có nhiều kinh nghiệm, mọi thứ đều phải học hỏi từ việc quản lý nhân sự học cách phục vụ, pha chế đồ uống...chúng mình đều tự xoay xở, tìm tòi".
Và đối với Gấm, động lực lớn nhất và quan trọng nhất giúp cô không chùn chân chính là tinh thần tình nguyện, sự giúp sức của chính những đồng đội là sinh viên trong Đội TNTN Sông Mã.
Chính lòng yêu thương, muốn cống hiến qua những chuyến đi tình nguyện vùng cao là động lực lớn để Gấm và nhóm của mình quyết tâm biến ý tưởng thành thực tế.
Quán cà phê "xanh" độc đáo
Hiện Gấm đang là quản lý của quán cà phê “Xanh” nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh. Trò chuyện với tôi, Gấm bật mí với số vốn huy động ít ỏi 80 triệu, cô muốn xây dựng quán cà phê có phong cách khác lạ, đậm dấu ấn phù hợp với sinh viên và mang ý nghĩa hướng tới môi trường xanh.
Chính vì vậy, mọi đồ vật trong quán từ chiếc bàn, kệ sách, đồ trang trí đều được các bạn sinh viên trong đội tình nguyện của Gấm chung tay tự chế hết sức…sáng tạo. Đó là những chiếc bàn được kỳ công, bức tranh hình khối độc đáo được làm bằng tre “made in” sinh viên.
Không gian quán được trang trí từ chính công sức và sự sáng tạo của sinh viên trong Đội tình nguyện.
Thậm chí, những đồ vật được coi là phế thải lại được các bạn sinh viên tái sử dụng sáng tạo, tinh tế. Ví dụ, bức tranh bản đồ Việt Nam, khung ảnh được gắn bởi những que kem được nhặt ở Hồ Gươm…những vỏ lon dùng xong được chế thành hộp đựng, ống hút thành đồ hand made.…khiến nhiều người khách bất ngờ và thán phục.
Lý giải về cái tên quán khá độc đáo “Cà phê Xanh”, Gấm cho biết: “Mình muốn đưa đến cho người tiêu dùng tiếp cận dần với văn hóa “xanh” và sản phẩm “xanh”, xanh là tiết kiệm, xanh là bảo vệ môi trường. Mọi người có thể sử dụng đồ tái chế để trở thành vật dụng có ích trong nhà.
Hơn nữa, không gian của quán được thiết kế mang đậm màu sắc tình nguyện, người đến quán như được sống lại khoảnh khắc tuổi trẻ, của quãng đời sinh viên và những trải nghiệm tình nguyện khó quên”.
Và những sản phẩm khá ấn tượng được tái chế.
Ngoài ra, nhân viên phục vụ của quán chính là những bạn sinh viên tình nguyện trong đội gồm 7 – 8 người tự tìm tòi học cách pha chế đồ uống, tạo món đặc biệt. Việc mở quán cà phê còn tạo việc làm thêm cho các sinh viên hoạt động trong đội ngoài giờ học trên lớp.
“Làm sao kêu gọi và duy trì được quán? Làm thế nào để giữ chân được khách hàng, là điểm đến của sinh viên là câu hỏi luôn xuất hiện trong đầu mình. Việc quản lý quán mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách trước mắt nhưng mình tin nó sẽ là sự trải nghiệm thú vị và việc làm ý nghĩa”, Gấm tâm sự.
Đối với không chỉ riêng cô nàng cá tính Nguyễn Thị Gấm - người quản lý quán cà phê "độc" mà cả những thành viên trong đội TNTN Sông Mã thì quán cà phê chính là nơi kết nối tình nguyện và nuôi dưỡng đam mê tình nguyện, giữ nóng trái tim yêu thương đến với các miền quê nghèo của Tổ quốc.
apc.com.vn