Sáu học sinh đoạt huy chương tại Olympic Toán học và bốn em đoạt huy chương tại cuộc thi Olympic Sinh học trong dịp vừa qua là thành tích rất đáng tự hào về trí tuệ, bản lĩnh của học sinh Việt Nam, về khả năng vươn lên vượt qua những khó khăn, thử thách.
Tại buổi lễ đón các em, Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa xúc động nói: "Các em đã thay mặt tuổi trẻ Việt Nam đua tài với bạn bè năm châu và mang vinh quang về cho Tổ quốc. Chiến thắng này sẽ làm bàn đạp để các em lập thân, lập nghiệp, trở thành nhân tài phục vụ cho đất nước".
Riêng trong lĩnh vực Olympic Toán học, đây là lần thứ 36 Việt Nam tham dự và tất cả các lần đều có huy chương. Ngay cả đối với các thành viên tham dự Olympic Toán học, số em không đoạt giải rất ít, có thể đếm trên đầu ngón tay. Hiện, Việt Nam nằm trong TOP 10 cường quốc Olympic Toán học.
Vì vậy, không chỉ bà Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo mà tất cả chúng ta đều có chung một mong muốn các em trở thành nhà khoa học, những nhân tài phục vụ đất nước.
Thế nhưng con đường từ giải thưởng cuộc thi Olympic đến một nhà khoa học còn rất dài và phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Nếu cuộc sống của mỗi con người cũng giống như cuộc sống của một cái cây thì muốn trở thành đại thụ, ít nhất phải có ba yếu tố. Đó là hạt giống tốt, điều kiện tự nhiên (đất đai, khí hậu…) tốt và người chăm sóc tốt.
Qua các cuộc thi Olympic có thể thể hiện một điều, ở một góc nhìn nào đó, các em là các hạt giống tốt, những nhà khoa học tương lai. Thế nhưng có một thực tế cho thấy suốt hơn ba mươi năm qua, số thí sinh đoạt giải Olympia thì nhiều nhưng để trở thành một nhà khoa học thực sự, có thành tựu thì quá ít.
Xin ví dụ từ bằng sáng chế, một chỉ số quan trọng và khách quan để đánh giá thành tựu khoa học của một nước. Trong một bài báo mới đây, TS Lê Văn Út và TS Thái Lâm Toàn cho biết từ năm 2006 đến 2010, chúng ta chỉ có vẻn vẹn 05 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ. Năm 2011, không có một sáng chế nào. Trong khi đó, Nhật có 46.139 bằng, Hàn Quốc 12.262 bằng. Gần gũi chúng ta là các nước trong khu vực như Singapore cũng có 647, Malayxia 161, Thái Lan 53… Một nước nhỏ như Brunei chỉ với hơn 400 ngàn dân cũng có 01 bằng sáng chế. Còn Việt Nam, gần 90 triệu dân với đội ngũ giáo sư lên đến hơn 9.000 người mà không có bằng sáng chế nảo. Đó là điều bất bình thường và không thể nói khác, là một món nợ và nỗi xấu hổ của trí thức Việt Nam.
Trở lại với ba yếu tố nói ở trên, có thể khẳng định chúng ta có hạt giống tốt. Người Việt Nam ta không phải là kém cỏi hơn các dân tộc khác. Vậy thì vì sao thành tựu khoa học kỹ thuật của chúng ta lại kém cỏi như vậy? Đây là câu hỏi không khó trả lời, phải không các bạn?