Sự ra đời của lon đựng thực phẩm
Một trong những điều kỳ lạ nhất về dụng cụ mở lon, có lẽ là việc lon đựng thực phẩm ra đời trước đó tới tận 150 năm. Vào năm 1795, Napoleon treo giải thưởng trị giá 12.000 Franc cho bất cứ ai có thể tìm được cách để bảo quản thực phẩm. Ở thời điểm lúc bấy giờ, chưa ai biết đến sự tồn tại của vi khuẩn, hay nguyên nhân khiến cho thức ăn bị ôi thiu, vậy nên bảo quản thực phẩm trở thành một bài toán khó không có lời giải. Phải tới 15 năm sau, đầu bếp Nicholas Appert mới nhận được giải thưởng nói trên sau khi đóng lọ thành công thực phẩm. Ít lâu sau đó, Philippe de Girard cải tiến ý tưởng của Appert bằng việc thay thế lọ thủy tinh bằng hộp kim loại và bán ý tưởng này cho người Anh.
Trước thế kỷ 19, những vấn đề về sức khỏe gây ra bởi thức ăn ôi thiu trở thành vấn nạn trên toàn thế giới. Mặc dù những lợi ích của việc bảo quản thực phẩm bằng cách đóng hộp là vô cùng rõ ràng, nhưng quá trình này vô cùng mất công và tốn kém, khiến cho công nghệ này gần như chỉ dành cho quân đội mà thôi. Chưa kể thời đó những lon đựng thực phẩm đều rất dày và cứng, nên chỉ có những chiến sĩ quân đội luôn sẵn dao quân dụng trong tay mới có thể mở nổi những chiếc lon này mà thôi. Chính vì thế mà trong suốt hàng thập kỷ, dụng cụ mở lon hoàn toàn không cần thiết.
Giữa thế kỷ 19, quá trình đóng hộp thực phẩm được cải tiến và tự động hóa, đồng thời nắp hộp đựng thực phẩm được làm mỏng lại để những người dân thường cũng có thể mở được - nếu như họ có dụng cụ thích hợp. Tuy nhiên lúc bấy giờ dụng cụ mở lon vẫn chưa được phát minh ra, vậy nên những hộp đựng thực phẩm thường sẽ được chế tác kèm theo cơ chế mở riêng, để mọi người đều có thể mở những chiếc hộp này ở mọi lúc, mọi nơi.
Và thế là mỗi loại thực phẩm lại có một loại hộp đựng riêng, với cơ chế mở khác nhau. Cá và thịt đóng hộp thường được đựng trong hộp hình hộp chữ nhật, và đi cùng với hộp là một chiếc "chìa khóa" để vặn cuốn phần nắp hộp ra ngoài. Cà phê, đậu và một số loại thực phẩm khác được đặt trong những hộp hình ống, với một dải kim loại mỏng ở giữa có thể dùng "chìa khóa" để bóc ra.
Chính nhờ sự tiện lợi của đồ ăn đóng hộp, mà chúng ngày càng trở nên phổ biến hơn trong cộng đồng. Dần dà, những chiếc lon đựng thực phẩm giống như bây giờ ngày càng trở nên phổ biến hơn. Và khi mà trong bếp tràn ngập những lon đựng thực phẩm như vậy, người ta mới bắt đầu tính đến chuyện phát minh ra một công cụ tiện dụng để có thể mở được mọi loại đồ đóng hộp trong bếp.
Dao Bully beef
Dụng cụ mở lon đầu tiên trên thế giới được thiết kế với cơ chế rất đơn giản: đục, đâm và kéo. Bởi lẽ loại thực phẩm được đóng hộp nhiều nhất thời bấy giờ là thịt, nên công cụ mở hộp thường được thiết kế phỏng theo hình dáng của một con bò, và chúng được gọi tên là dao mở lon Bully beef. Để mở nắp lon đựng thực phẩm, người ta sẽ dùng phần đầu nhỏ để đục một lỗ trên lon, sau đó đâm phẩn lưỡi dao vào và kéo dao theo viền hộp.
Dao mở lon Bully beef là một công cụ hết sức phổ biến thời đó, bởi chúng vô cùng hiệu quả và chắc chắn, tuy nhiên tính an toàn của công cụ này lại không cao. Đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra trong quá trình mở hộp, và một số người vì công cụ này mà mất đi ngón tay của mình. Vậy nên những gì được nghiên cứu lúc này là làm sao để có thể mở hộp một cách an toàn.
Câu trả lời đến vào năm 1925, từ công ty Star Can Opener tại San Francisco. Thay vì dùng dao để mở lon, người sử dụng có thể kẹp khung của lon đồ hộp vào giữa hai bánh răng của dụng cụ mới, và vặn bánh răng để di chuyển lưỡi dao đi quanh lon. Tuy nhiên, dụng cụ mới này rất mỏng manh và dễ hỏng, và nhiều người nhận xét là kém hiệu quả hơn dao Bully beef rất nhiều. Ưu điểm duy nhất của dụng cụ này là an toàn mà thôi.
Cho đến thời kỳ của dụng cụ mở lon chạy điện
Sáu năm sau khi mẫu dụng cụ mở lon của Star xuất hiện trên thị trường, dụng cụ mở lon đầu tiên chạy điện được phát minh. Công ty Bunker Clancey tại thành phố Kansas đăng ký bằng sáng chế cho phát minh này vào năm 1931. Tuy nhiên, công ty này bị Star Can Opener kiện vì vi phạm bản quyền thiết kế hai bánh răng (vụ kiện này sau đó đã bị tòa án bác bỏ).
Dụng cụ mở lon chạy điện lúc bấy giờ được coi là một phát kiến của tương lai. Những tưởng dụng cụ này sẽ rất thành công, tuy nhiên nó lại tân tiến quá đến mức gần như chẳng ai dùng được. Ở thời điểm năm 1931, không phải nhà nào cũng có điện, và những nhà có thì lại chẳng hứng thú gì với việc mua dụng cụ mở lon cả.
Phải mất thêm 25 năm nữa, những dụng cụ mở lon chạy điện mới trở nên phổ biến hơn. Năm 1950, Walter Hess Bodle và con gái Elizabeth đã phát triển một dụng cụ mở lon chạy điện khác trong garage nhà mình. Walter chế tác dao mở và động cơ, còn Elizabeth đảm nhận phần thiết kế bên ngoài. Thiết bị mở lon của nhà Bodle có thể tự đứng được trong căn bếp.
Sản phẩm này được công ty Union Die Casting phân phối vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1956 và được tiêu thụ với tốc đọ chóng mặt. Vài năm sau đó, dụng cụ mở lon của nhà Bodle được sản xuất với nhiều kiểu dáng và màu sắc khác nhau. Ngày nay, dụng cụ này cũng giống như dao Bully Beef, trở thành món đồ được nhiều nhà sưu tầm săn đón.
Và thế là dụng cụ mở lon cũng đã đi được một chặng đường dài để được như bây giờ, thậm chí đã phải đánh đổi bằng cả máu của những người đi trước, để chúng ta ngày nay có thể dễ dàng và nhanh chóng mở được những hộp thực phẩm khi nấu ăn.
Nguồn: Tham khảo ArsTechnica