Những bức hình này được chụp trong những nhà máy ở Winchendon, bang Massachusetts, Mỹ trong thập niên 1910. Trong đó ta thấy khuôn mặt của những em bé chỉ độ 8-10 tuổi nhưng vẫn phải làm việc trong môi trường lao động không an toàn, các em làm việc suốt nhiều tiếng đồng hồ nhưng chỉ được trả tiền công rẻ mạt, tất cả chỉ để cả gia đình có bánh mỳ ăn.
Những "công nhân nhí" này làm những món đồ chơi nhỏ, những cô búp bê xinh, chiếc trống, bộ xếp hình để những trẻ em con nhà khá giả hơn có một tuổi thơ vui vẻ. Tuổi thơ của những em bé nhà nghèo này là những ngày làm việc dài đẵng đẵng trong bốn bức tường của nhà xưởng chật hẹp bụi bặm.
Những bức ảnh này được chụp bởi một nhiếp ảnh gia nghiệp dư, vốn là một thầy giáo. Ông tên là Lewis Wickes Hine. Thầy Hine thực hiện bộ ảnh này bởi ông biết các em bé đều phải nói dối về độ tuổi để được đi làm còn lớp học của thầy vắng dần khi các em bắt đầu đến độ tuổi 8 hay 10 vì lúc đó gia đình cần tới sức lao động của các em, đi làm và giúp bố mẹ nuôi các em.
Luật pháp lúc đó cho phép trẻ em từ 12 tuổi được làm việc trong các công xưởng.
Em bé quay sợi
Những em bé này chắc chắn chưa đủ tuổi lao động nhưng vẫn thường phải tới xưởng để giúp anh chị mình hoàn tất lượng công việc được giao trong một ngày. Các em là những con ong nhỏ cùng gắng sức làm việc cho đạt sản lượng bằng một người lớn. Nếu không xoay xở kịp, chủ xưởng sẽ mắng nhiếc và có thể đuổi việc.
Các em vì không được học hành đến nơi đến chốn nên khả năng đọc hiểu và giao tiếp kém. Tương lai của các em là một vòng tròn lặp lại cuộc đời của cha mẹ mình – những công nhân lao động nghèo khó.
Theo thống kê khi đó một gia đình trung bình được trả 30 đô la một tuần, bố 12 đô, mẹ 9 đô, bé gái 5 đô, bé trai 4 đô.
Các chị em trong một gia đình. Em bé nhỏ nhất ở ngoài cùng bên phải vì quá bé nên chỉ được phép tới công xưởng giúp các chị làm việc vặt hoặc đứng quay sợi thay lúc các chị quá mệt.
Những thiếu niên làm nhiệm vụ quét dọn trong một xưởng sản xuất sợi. Không cần nói cũng biết môi trường làm việc bụi bặm và độc hại tới thế nào.
Những bức ảnh mà thầy giáo Hine chụp dùng để làm bằng chứng và cứ liệu cho Ủy ban quốc gia về vấn đề lao động trẻ em siết chặt việc thực thi luật lao động tại các công xưởng và trả lại tuổi thơ cho các em bé Mỹ.
Ủy ban đã đề nghị thầy Hine tiếp xúc với các em nhỏ để ghi lại những hình ảnh thực tế và suốt hàng chục năm, thầy giáo đã ghi lại hàng nghìn bức ảnh cho thấy điều kiện lao động tồi tệ mà trẻ em phải chấp nhận tại nơi làm việc.
Những công việc quá độc hại hoặc vất vả đối với các em bao gồm cuốn thuốc lá, làm thợ may, nhặt bông và thu hoạch rau củ trong các nông trại…
Thầy Hine thường "lẻn" vào các nhà máy, giấu máy ảnh trong áo và đóng giả làm thợ kiểm tra các bình cứu hỏa. Nếu các chủ xưởng phát hiện ra công việc thật sự của ông, họ có thể sẽ hành hung ông.
Cha mẹ và các em nhỏ khi được hỏi đều nói rằng các em sẽ quay lại trường học khi có điều kiện, khi gia đình đã thu xếp ổn thỏa hơn nhưng những kế hoạch đó hầu như không bao giờ trở thành hiện thực bởi một khi đã bị cuốn vào dòng đời bươn trải các em sẽ rất khó để quay lại trường học.
Tuy vậy, những bức ảnh của Hine vẫn có những nét tươi đẹp, trong đó, ông không cố gắng thổi phồng sự vất vả, nghèo nàn trong cuộc sống của các em bé. Các em vẫn nở nụ cười tươi, vẫn mặc váy áo xinh xắn, tết tóc gọn gàng, các cậu bé vẫn có vẻ nghịch ngợm, hồn nhiên đáng yêu.
Những tác phẩm ảnh của Hine khi đó được chủ tịch Ủy ban quốc gia về lao động trẻ em đánh giá là một nỗ lực quan trọng trong quá trình cải cách luật lao động và nâng cao chất lượng môi trường làm việc tại Mỹ. Một bức ảnh có thể nói lên nhiều điều và nó đã giúp “mở mắt” cho người dân lúc bấy giờ về thực trạng lao động tại các công xưởng.
Việc sử dụng lao động trẻ em là hậu quả của nền công nghiệp phát triển mạnh hồi cuối thế kỷ 19. Các doanh nghiệp tìm kiếm những người di cư thất nghiệp và các lao động trẻ em để chỉ phải trả một lượng tiền công nhỏ bé. Sức lực tuy nhỏ nhưng nhiệt tình và sự sợ hãi phục tùng ngoan ngoãn của các em khiến trẻ em trở thành những nhân công lý tưởng.
Tuy vậy, khi bước sang thế kỷ 20, các nhà cải cách đã bắt đầu quan tâm tới vấn đề này và nhận thấy chất lượng cuộc sống của một bộ phận trẻ em đang xuống cấp, giáo dục bị bỏ bê. Những nỗi lo sợ rằng nước Mỹ trong tương lai sẽ chậm phát triển nếu người dân lao động chỉ biết quay cuồng trong guồng máy làm việc quá sức, trẻ em không được học hành đầy đủ sẽ làm suy giảm chất lượng và trình độ của lực lượng lao động.
Cô bé người Pháp này nói được rất ít tiếng Anh. Cả hai chị em cô đều phải đi làm trong một xưởng sản xuất sợi. Đây là hai trong số hàng triệu thiếu niên phải làm việc trong các nhà xưởng khi đó.
Một gia đình công nhân
Gia đình nhập cư này đều là công nhân trong các xưởng sản xuất. Các em nhỏ hầu như không hề biết nói tiếng Anh
Năm 1916, nghị viện Mỹ thông qua bộ luật lao động mới nhằm bảo vệ trẻ em khỏi lao động quá sức. Trong đó những người chủ xưởng không được phép thuê các lao động trẻ em dưới 14 tuổi.
Năm 1938, độ tuổi này được tăng lên 16 và người thuê mướn lao động không được giao những công việc nguy hiểm hoặc quá nặng nhọc cho trẻ vị thành niên từ 16-18 tuổi.
apc.com.vn (Theo DM)